Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại viết nhiều về…người già, nào Gió heo may đã về, nào Già ơi… chào bạn, rồi Nghĩ từ trái tim…? Đúng vậy, tôi chỉ là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ của trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang chăm sóc cũng sẽ trở thành một người già, một ngày nào đó! Bốn mươi lăm năm trước, khi tôi còn là sinh viên y khoa thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó – cả trai lẫn gái- đang bước vào tuổi “gió heo may đã về” rồi còn gì! Còn mấy nhóc tôi có dịp chữa trị mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã thấy lại mang con đến khám, có người mang cả cháu ngọai, cháu nội. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi khác! Cuộc sống như một dòng sông. Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách gọi tên! Có người chưa hai mươi mà đã già…khú đế, có người tám mươi còn phơi phới tuổi xuân. Một bậc đàn anh của tôi, bác sĩ Từ Giấy, đã gần 90 tuổi, thường nhắc chúng tôi : “Hãy chăm sóc các cụ từ trong… bụng mẹ”!
Đúng
vậy, đợi các cụ ngáp ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ ! Tổ
chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi
cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho mẹ…các cụ được
dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các cụ … bú mớm; phải
chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm cho các cụ; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi ấu
thơ như không nên uống rượu, không nên hút thuốc lá v.v… để tránh ung thư, viêm
phổi tắt nghẽn mạn tính, xơ gan cổ trướng; rồi phải dạy các cụ có thói quen tập
thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để tránh xơ vữa động mạch, tăng huyết
áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, thấp khớp… Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói
cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa! Hoặc cũng có thể nói nhi
khoa chính là lão khoa, và lão khoa cũng chính là nhi khoa! Chẳng thế mà người
ta nói người càng già càng giống … trẻ thơ đó sao? Ngành lão khoa ngày càng
phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, nhưng khi nói đến lão
khoa, hình như người ta quá nặng về bệnh hoạn, tàn tật hơn là đến sự sảng khoái
toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của người già, phù hợp với tuổi tác,
giới tính của họ. Đó mới chính là mục tiêu mà Tổ chức Sức khoẻ Thế giới đề ra
khi nói đến sức khoẻ, đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Các thầy
thuốc lão khoa cũng thường là những người còn trẻ, tuy có chuyên môn sâu trong
chữa trị bệnh tật cho người cao tuổi nhưng họ chưa từng được trải nghiệm tuổi
già, chưa được thưởng thức…cái già, chưa được hưởng thụ … cảnh già!
Mãi
đến cuối thế kỷ 20, Liên Hợp Quốc mới dành một “năm” cho người già, năm 1999,
gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già
tích cực!”. Bởi vì trước đó người ta nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, của
héo úa, của ăn hại, là gánh nặng xã hội…cho đến khi giật mình thấy không phải
thế! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng
tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc,
không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên…
Gần
đây Tổ chúc Sức khỏe Thế giới (WHO) đề ra một bảng chỉ số cụ thể để đo đạc chất
lựơng cuộc sống trong lãnh vực sức khỏe – có thể ứng dụng để mỗi người già tự
đánh giá về mình để tự điều chỉnh và thích nghi, cũng như cần có sự quan tâm và
hỗ trợ của cộng đồng xã hội, nhằm nâng cao chất lựơng cuộc sống cho người già.
Bảng
chỉ số đó gồm các yếu tố thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi
trường sống :
Về thể chất, những vấn đề đặt ra như
tình trạng dinh dưỡng, năng lượng ? Sự mệt mỏi, đau nhức… Giấc ngủ và nghỉ ngơi
ra sao?
Về tâm lý thì tự nhìn nhận bản thân mình
thế nào? về dáng vẻ bên ngoài, về những cảm xúc tiêu cực hay tích cực. Tự đánh
giá về khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ và khả năng tập trung ra sao?
Về tính độc lập: mức độ vận động, đi
lại, sinh hoạt. Sự lệ thụôc nhiều vào thuốc men, vào y tế ? Khả năng thích ứng
công việc hằng ngày?
Về các mối quan hệ có được duy trì tốt?
Sự trợ giúp xã hội? Hoạt động tính dục?
Nguồn tài chính có ổn định không? Có
thuận lới, gần gũi với các cơ sở y tế và xã hội không? Chất lượng phục vụ ở đó
ra sao? Môi trường gia đình, nhà ở, cơ hội tiếp nhận thông tin và học tập các
kỹ năng mới.. Họat động vui chơi giải trí. Môi trường sống: ô nhiễm, tiếng ồn,
lưu thông xe cộ, khí hậu ? Viêc đi lại giao lưu có thuận tiện không?
Đại
khái là như vậy. Nhiều khi chỉ cần một chiếc xe lăn, một chỗ dành riêng trên xe
buýt công cộng thì chất lượng cuộc sống người cao tuổi đã đựơc cải thiện v.v…
Nên có các lớp dạy vi tính cho người già, để họ dù đi lại khó khăn vẫn mặc sức
nằm nhà “chat”, “email” … cho bạn bè cũ và mới!
Tóm
lại, người cao tuổi là người mà cụôc sống rất dễ bị “thiếu chất lựơng”. xã hội
phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ, và chính bản thân họ
cũng phải tự ý thức tự “tạo điều kiện” cho mình để có cụôc sống hạnh phúc, tự
tại và an nhiên!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét