Nhiều người khi luận bàn về tuổi thọ của đời người và từng tính cách khác nhau của từng lứa tuổi, thường viện dẫn câu nói mà họ cho rằng của Khổng Tử :
“Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập cổ lai hi”.
Quả Khổng Từ, qua “Luận ngữ” có bàn đến vấn đề này, nhưng câu nói không què quặt như câu trên. Nói như trên, không những đã “đầu Ngô, mình Sở”, đem râu ông nọ đặt cằm bà kia mà thậm chí còn thiếu đầu, thiếu đuôi. Câu nói của Khổng Tử mà học trò ông ghi lại trong Luận ngữ nguyên văn như sau :
Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”
Nghĩa là: “Ta mười lăm tuổi để hết tâm trí vào việc học, ba mươi tuổi kiến thức đã vững vàng, bốn mươi tuổi không nghi hoặc điều gì, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi nghe lời người là hiểu được , bẩy mươi tuổi muốn điều gì là tùy tâm mình mà không vượt ra khuôn phép, quy củ”.
Câu: “Người đời bẩy mươi tuổi xưa nay hiếm (nhận sinh thất thập cổ lai hi) là câu thứ tư của bài thứ hai, tên Khúc Giang (nhị thư) của Thi hào Đổ Phủ.
Ông Đỗ tả cảnh chiều chiều, sau khi từ cơ quan về, thường hay ghé quán rượu bên sông Khúc Giang, đem áo cầm thế lấy tiền uống rượu. Ông cho rằng uống rượu chịu, mắc nợ rượu thì ở nơi nào cũng có. Người sống ở đời ít có ai sống thọ đến 70 tuổi, vậy hãy cùng nhau tạm vui cho thỏa, đừng có phụ phàng.
Xin chép nguyên văn bài thứ hai của Khúc Giang (nhị thư):
Triều hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương tống mạc tương vi
Dịch Thơ
Sông Khúc
Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
Bến sông say khướt, tối lần mai
Nợ tiền mua rượu đâu không thế ?
Sống bảy mươi năm đã mấy người ?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.
Bản dịch: Tản Ðà
Xem thế, ta thấy trong lời Khổng Tử không thể nào có thơ của Đỗ Phủ, chỉ là do cái đà “ngũ thập, lục thập mà người ta đã ghép thêm cái “thất thập” của họ Đỗ vào và nói thọ “bảy mươi là chuyện hiếm chứ không nói rằng đến tuổi bảy mươi thì sẽ như thế nào?
Trở lại với cụ Khổng, ta thấy đây chỉ là nhận xét riêng của cụ về từng cấp độ khác nhau của tuổi tác và cụ nói là nói về mình với tư cách của một con người của thời Xuân Thu, của một vị “Vạn thế sư biểu”.
Thời của cụ, tuổi thọ trung bình là 40,50. Thời của chúng ta đã khác xa, có người sống đến 80, 90, thậm chí 105 tuổi hoặc 110 tuổi. Cho nên Khổng Tử dừng lại ngang tuổi 70 mà không nói tiếp là đến 80, 90 tuổi thì tính cách của con người sẽ như thế nào. Riêng cụ sinh năm 551 mất năm 479 trướng Công nguyên, thọ 72 tuổi, cho nên cụ không bàn thêm là phải. Về cái khoản “Nhi nhĩ thuận” thì “nghe gì hiểu nấy” còn bao hàm cái ý đến tuổi 60 cụ đã chín chắn lắm rồi nên lời phải, lời trái gì cụ nghe cũng lọt tai. Nghe để bình tĩnh suy gẫm, gạn đục khơi trong, để phát hiện ra nghĩa lý hay đẹp chứ không như người thường hễ nghe lời trái tai là đã vội nổi sùng!
Về câu: “Ngũ thập tri thiên mệnh” có sách giảng là “biết rõ những quy luật nhiệm mầu của tạo hóa”. Phải đợi đến 50 tuổi mới biết điều đó e có “hơi bị muộn màng lắm không, trong khi từ tuổi 40, Khổng Tử đã không còn nghi hoặc điều gì nữa, tức là đã nắm vững mọi lẽ.
Thực tế cho biết, năm 50 tuổi Khồng Tử mới ra làm quan. Chỉ trong một thời gian ngắn, vì bất đồng chính kiến vời Lỗ Hầu, ông xin từ quan và cùng học trò di chu du liệt quốc. Đến đây ông cũng không được trọng dụng nên Khổng Tử biết rằng Trời không cho ông thành công trên đường chính trị mà muốn ông là một hiền triết, một nhà giáo dục. Bèn lui về mở trường dạy học, trước tác sách vở, san định kinh điển, người ở các nơi theo học với ông rất đông, có đến 3000 môn sinh, trong đó có 72 người được gọi là người hiền.
Bản thân Khổng Tử được tôn là “Vạn thế sư biểu” tức là ông “thầy của vạn đời”. Khổng Tử rất tôn kính “mệnh trời”. Ông từng nói: “Quân tử có ba điều sợ, sợ mệnh đời, sợ các bậc đại nhân, sợ những lời nói của thánh nhân”.
Rốt lại, câu nói mà chúng ta đang xét là lời của Khổng Tử tự nói về mình, khởi đầu với chữ Ta (ta mười lăm tuổi …) chứ không phải là tiêu chuẩn đặt ra cho mọi người noi theo. Mà noi sao được khi mỗi ngừơi mỗi cá tính, mỗi hoàn cảnh, thêm nữa mỗi thời mỗi khác, thời điện tử đâu phải là thời Xuân Thu !
Tác giả : Tô Kiều Ngân
Nguồn : TaySonQuyNhon’ Blog
Ngũ thập tri thiên mênh minh thường nghe người ta cho rằng môi khi trời đât có biến đổi tức giao mùa hay sắp có tiết...tác động vào cơ thể sanh đau đớn,nhức mỏi...biết liền .
Trả lờiXóaMình “mạo muội “ xin gởi đến các bạn đọc sơ lược vài nét về Tác Giả TÔ KIỀU NGÂN !
Trả lờiXóaTKN sinh 1926 tại Huế cùng thời với Bùi Giáng , Sơn Nam, Kiên Giang…Hiện sống tại Sài Gòn và đang cộng tác với báo KTNN, Thanh Niên, Tủ Sách Nhớ Huế…
Thơ –văn đã xuất bản nổi tiếng :
+Nghìn năm mây trắng (thơ)_Văn Hoá SG Xuất bản 2008
+Phố Hàng Khay (Truyện ngắn& tuỳ bút)…
Đây là một trong những bài thơ hay của TÔ KIỀU NGÂN !
EM CŨNG NHƯ MÂY
Ta nằm trên bãi vô thường
Im nghe sóng động trùng dương rạt rào
Mới hay đời :_Giấc chiêm bao
Tìm đâu son sắt, đâu nào được thua
Xoá bày trăm vạn cuộc cờ
Rồi ra tỉnh một cơn mơ hãi hùng
Biết đâu có, biết đâu không
Lòng sông bóng nguyệt , cỏ hồng gót sương
Tưởng còn em để yêu thương
Ngờ đâu em cũng vô thường như mây .
(Tô Kiều Ngân)
KHỔNG TỬ KHÔNG BIẾT
Trả lờiXóaTử Cống hỏi Khổng Tử:
- Người chết rồi còn có biết gì không hay không biết gì nữa?
Khổng Tử nói:
- Nếu ta nói rằng “ Người chết có biết ”, thì ta sợ những người con hiếu, cháu thuận sẽ liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Nếu ta nói rằng : “ Người chết không biết gì ”, thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà không chôn. Nhà ngươi muốn biết người chết có biết hay không biết, thong thả đợi đến lúc chết thì khắc biết. Sự biết ấy tưởng cũng không muộn gì cho lắm.
Ngày nay, ta thường nghe câu tưởng thưởng : " Rất Khổng Tử" ! ! !
cũng còn có những câu người ta hay nói thiếu lắm,như:"nhàn cư vi bất thiện",đâu phải ai cũng vậy?nguyên là vầy:"tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện,quân tử thận độc"
Trả lờiXóaBác tran ba nghia lâu lâu mới dzìa, nhưng chêm nhiều câu hay ra phết !
Trả lờiXóaCòn với tui, qua bài viết trên khiến tui nhớ lại, trong các người làm thơ nổi tiếng của lịch sử văn hóa Trung Hoa, tôi thích và kính mến nhứt là Đỗ Phủ và bài thơ Khúc giang (nhị thư) nói trên của ông, đặc biệt là câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Vì câu thơ và người làm thơ Đỗ Phủ đã được được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhắc đến trong đoạn mở đầu bản Di chúc thiêng liêng của Người:
Trả lờiXóa“Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “người thọ 70 xưa nay hiếm”.
"Trong lời Khổng Tử không thể nào có thơ của Đỗ Phủ". Nhưng trong di chúc của Hồ Chủ tịch thì có, chứng tỏ người làm thơ rất nổi tiếng Đỗ Phủ là một bực "Thánh Thi" vậy!