Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

BUỔI TRƯA TRỐN NGỦ

Chùa Đại Viên (chùa gò Ké), Phú Thọ, Tây Phú, Tây Sơn 

Nhất quỉ ,
            nhì ma ,
                        … còn chúng tôi được xếp hàng thứ ba !

Nhỏ, khi còn rất nhỏ tôi đã nghe người ta xếp như vậy rồi mà tôi không hiểu nhưng tôi lại thấy vui vui. Vì “ma” và “quỉ” chỉ trong mơ mơ, hồ hồ mà ai cũng sợ, sao chúng tôi lại xếp kề bên nhỉ ? Một câu hỏi to tướng !

Trường Tiểu Học Bình Khê đối diện với Trường Trung Học Quang Trung cách nhau chỉ một con đường; lớp đệ thất chỉ hơn lớp nhất một lớp thôi. Thế mà con gái lớp nhất mắt tròn, mắt dẹt nhìn các chị từ đệ thất trở lên đi ngang qua – nữ trung học mặc áo dài đi học còn nữ tiểu học thì không. Rồi tôi thi đậu, được học lớp đệ thất của Trường Trung Học Quang Trung. Tôi được mặc áo dài. Thích lắm ! Cả lũ con gái đậu đệ thất đều thích chứ không gì riêng tôi. Nhưng ước mơ bao giờ cũng đẹp, đến khi chạm tới nó thì bao điều rắc rối xảy ra. Úi chui cha là rắc rối ! Rắc rối khi mặc áo dài thì nhiều lắm, tôi chỉ liệt kê vài rắc rối tiêu biểu thôi.

Thứ nhất là khi đi nó hơi vướng vướng.

Thứ hai là mẫu người chung thủy (ba vòng như một) như đại đa số như chúng tôi thì mặc vào ít giống ai - chỉ giống chúng tôi thôi.

Thứ ba là khi chơi “u quạ”, hai tà cản trở rất nhiều. Nhưng “cái khó lại ló cái khôn”, chúng tôi cột hai tà lại. Cột vào bên gài khuy ấy. Đề phòng tai nạn có thể xảy ra. Thấy chúng tôi thông minh chưa. Tự khen đấy.

Còn và còn nhiều cái vướng về tà áo dài lắm. Vướng vì tà áo dài nghiêm túc, đằm thắm. Còn chúng tôi thì chưa.

Cuộc đời có nhiều nghịch lí ! Khi chúng tôi được đưa vào nghiêm túc thì tà áo dài bắt đầu “nghịch”. Ai nghịch nhỉ ? Tà áo dài hay chúng tôi ? Nói về nghịch tà áo dài thì nhiều lắm nhưng tôi nhớ nhất là giờ Địa của thầy “Qua cầu gió bay” - thầy Huỳnh Hữu Hạnh. Thầy vào lớp, dáng thầy như que củi khô – que chứ không phải là cây vì thầy ốm tong ốm teo mà lại thích hát bài “Qua cầu gió bay” nên chúng tôi gọi luôn là thầy “Qua cầu gió bay”. Thầy dò bài. “Mười hai cái bắp” là tên đầu tiên thầy dò. “Mười hai cái bắp” đúng là tên của nó. Nhưng tên của nó đẹp lắm chứ không phải mới nghe đã thấy no đâu.

“Mười hai” là : Tá .

“Bắp” là : Ngô

Tá Ngô nghĩa là Tố Nga. Trần Thị Tố Nga tên đầy đủ của nó í. Tố Nga bước ra khỏi bàn là chúng tôi bắt đầu khúc khích cười. Tà sau của nó bị chích qua một bên (một bên bị gút lại), nó lúng túng. Mắt nó vốn dĩ đã hài hước, bây giờ lại lại càng hài hước thêm. Thầy tức lắm. Thầy truy tác giả “bánh ú” tà áo dài của Tố Nga nhưng không được. Thầy la chúng tôi một trận. Câu cuối cùng của trận la ấy là : “Đúng là : Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba …” . Thứ ba là gì nhỉ - không cần nói thì bây giờ ai cũng đoán ra. Một trận nhớ đời !

La chuyện gì thì chúng tôi nhớ chuyện đó chứ chuyện khác thì chúng tôi không để ý. Vì chúng tôi mới ở Tiểu học lên mà. Chúng tôi hiếu động lắm (cả trai lẫn gái, chỉ ít ít người nghiêm túc thôi). Chúng tôi chạy nhảy lung tung. Hôm đó, đó là ngày chủ nhật, năm bảy đứa con gái chúng tôi rủ nhau vào chùa Gò Ké. Chùa Gò Ké không đẹp và huyền bí như chùa Thiên Tôn đâu. Nhưng chùa Thiên Tôn thì chúng tôi thường đi còn chùa Gò Ké gần hơn mà chúng tôi chưa tới – sự đời vẫn thường tréo ngoe như thế - nên chúng tôi quyết định đi thăm chùa. Muốn tới chùa thì những đứa ở Phú Phong (tôi không phải là dân Phú Phong nhưng 1965 tôi theo gia đình lên ở nơi đây nên tạm gọi là “đứa ở Phú Phong”) phải qua một cái gò tên là Ké rồi mới tới. Chắc có lẽ chùa nằm trên gò Ké nên người ta gọi là chùa Gò Ké. Mà ai cũng biết rồi đấy, gò thì có nhiều mả - nơi những người ở tạm trần gian về ngụ ấy mà. Mà với lũ nhỏ chúng tôi thì mả gắn liền với ma. Nói đến ma thì sợ lắm!  Sợ lắm ! 


Đó là một buổi trưa trốn ngủ ! Chúng tôi nhỏ to rồi dung dăng dung dẻ dắt nhau đi. Trên đuờng đi mỗi đứa nghĩ một kiểu về cảnh chùa. Nào hoa, nào quả, nào mõ, nào chuông : cái nhỏ, cái to, nào Phật Ông, Phật Bà, Phật lớn, Phật bé… Loáng một cái đã tới nhà Trung (con thầy Hớn). Tới đây chúng tôi nín thin thít vì sợ Trung phát hiện (vì chúng tôi lén không ngủ trưa mà). Qua khỏi nhà Trung chúng tôi chạy vèo một cái tới cây duối đầu dốc. Trưa nắng. Lặng. Cái lặng của buổi trưa. Sợ ! Cái lặng của buổi trưa bên gò làm chúng tôi sợ. Chúng tôi thắng gấp. Sát vào nhau, tay nắm chặt tay, chúng tôi lên dốc. Trong cái lặng ấy chúng tôi nghe rõ hơi thở của nhau.  Bỗng, “soa…oạt” , “soa…oạt”; “quá…át”, “quá…át”; “vụt” , “vụt”. Hai bóng đen bay lên. Chúng tôi cùng “á” lên một tiếng, nhanh hơn lúc nãy, vèo một cái chúng tôi đã đứng trước nhà thầy Hớn.

Hồng Lê
Khóa 8 QuangTrung BinhKhe

5 nhận xét:

  1. Kỷ niệm đẹp nhất ,dấu ấn khó phai trong đời là lứa tuổi bước vào Trung học ,cô giáo Lê đứng trên bục giảng hơn ba chục năm ngày hôm nay hồn nhiên vẽ lại một cảnh đẹp trong lần đầu được mặc bộ áo dài trắng bước vào Trung học Quang Trung Bình Khê.
    Học trò ngày nay chắc thương cô nhiều lắm hén !?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới học được cách đuổi cá mập và xuyên qua bức tường lửa để vào tả lời các bạn đây - học từ QTBKđấy.
      Những gì trong trẻo của thuở thiếu thời thường theo ta như vậy mà VinhK8 .

      Xóa
    2. Hồng Lê16:11 1/2/15

      Hi! Đánh tên là Hồng Lê mà sao lên chỉ chữ Hồng . Đính chính lại đó . Khà . khà .....

      Xóa
  2. Đọc bài viết, hoài niệm ngày đầu TH được mặc áo dài trắng... "hai tà lửng lơ ghẹo gió" của cô giáo Hồng Lê, chất dí dỏm, hài hước núp sau lưng... "quỷ-ma" vẫn còn ẩn hiện đâu đó qua giọng văn "cô giáo" thả...làm tui cười muốn bể bụng đây!
    -Bà nhớ thầy Hạnh, "dáng như que khô, ốm tong ốm teo" dạy địa lớp 6... Vậy bà có còn nhớ "kỷ niệm" thầy Trần Ngọc Hùng, cũng lép kẹp... mỏng như chiếc lá tre quéo, lúc mới về Trường đứng lớp 10A dạy địa, mà lũ "đười ươi" bọn mình tặng biệt danh là Thầy Hùng "nhíu"?(Thầy có nước da ngâm ngâm mà mũi Thầy thì có tật hay... nhíu, nếu bị lúng túng, mất tự tin). Giờ Thầy đã không còn nữa trên cõi đời vì bệnh, đọc bài viết của HL làm tui nhớ Thầy ghê gớm...
    Nhớ cái dáng Thầy khi ấy, tay và mặt lấm đầy phấn, "giận" run, bừng bừng té khói, te te lên bục... cà lăm, tuyên bố: "Tôi...tôi không chịu nổi nữa, tôi sẽ không dạy lớp này thêm tiết nào nữa. Tôi...tôi sẽ báo cáo "sự việc này" cho Thầy Hiệu trưởng xử lý, học trò gì mà..." Nói chưa hết câu, Thầy quày quả bước ra khỏi lớp, để lại sau lưng tiếng cười như vỡ chợ náo động cả lớp bên cạnh...
    Cũng bởi cái tật nghịch ngầm ấy của tui, mà cả lớp lúc đó đổ tội oan cho HL dán "mặt nạ"... vào mông Thầy Hùng(bởi Bà hay quậy?)!Cuối cùng, tui phải thưa thật với cô Tâm chủ nhiệm, bị cô la té tác, lại bị gọi xuống văn phòng gặp Thầy hiệu trưởng Lê Ngọc Ba ngay tức khắc, tui vừa run, vừa sợ bị trừng phạt đuổi học...
    Nhưng nào ngờ, phước ba đời tui,Thầy Ba chỉ khiển trách nhẹ, thông cảm , vỗ vai Thầy Hùng rồi phì cười gả lả "Thôi, Thầy Hùng xí xoá bỏ qua cho, "em" nó (thủ phạm) đã ra mặt chịu tội, vì lỗi đùa hơi lố làm xúc phạm Thầy. Mong Thầy đừng để bụng, đừng bỏ lớp nhé!"...
    Cũng từ đó, sau này Thầy về lớp dạy lại trong ba năm cấp 3, điều lạ là... tui và Thầy Hùng rất thân nhau như tình anh em...Giờ gẫm lại nhớ Thầy...lắm!
    Chúc HL và gia đình, Năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và luôn bình an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồng Lê16:17 1/2/15

      Chuyện thầy Hùng để từ từ tui kể . Giờ ông nói mất rồi . Tui mất đi một thước phim quá khứ . Hu , hu ...

      Xóa