Ở
nông thôn Bình Định xưa, người ta lấy hò, hát làm vui, làm món ăn tinh thần. Vào các làng quê, ta thường được nghe tiếng
hát ru: Mẹ, bà, chị vú em ru giấc ngủ trẻ thơ. Bằng chất giọng trẻ trung, ngọt
ngào, giàu cảm xúc, thiếu phụ hát ru con.
Cảnh
đẹp quê hương cũng thường có mặt trong những bài hát ru: “À ơi, con ngủ cho say
/ Con sáo nó nhảy đường cày kiếm ăn / Mây trên trời dăng xuống cổng thành / À
ơi, mai sau ăn học con vẽ tranh quê mình…” . Những câu hát ấy, cho ta có quyền
tin rằng, tình tự quê hương trong ta đã bắt đầu từ đó. Bà mẹ trẻ mà “có cảnh ngộ”
thì thường đem cái cảnh ngộ éo le của mình “phổ” vào tiếng hát ru con, như: “Ầu
ơi, cặp chim câu còn đâu đôi mỏ / Đôi lứa mình trời nỡ xui nên / Bây giờ cách
trở đôi bên / Phận em em tủi, ầu ơi, thương con mình bơ vơ”… Có
ai không sống tuổi thơ của mình, và thuở còn thơ lại không từng nghe tiếng hát
ru?
Bên
cạnh tiếng hát ru là các làn điệu hò khoan. Trong lao động, nông dân hay hát,
hay hò. Và đó vừa là nguyên nhân vừa là môi trường cho sự ra đời các làn điệu
hò giã gạo đêm trăng, hò cấy lúa đêm trăng, hò dô ta kéo gỗ trên sông… Hò khoan
thường là hò đối đáp giữa một bên nam, một bên nữ.
Hò
giã gạo diễn ra trong những đêm trăng rải trong làng. Một hàng dài cối gạo lứt
vần ra, chày đôi xếp bên cạnh. Tiếng chày rơi, câu hò cất lên. Bên nữ hò: “Bớ
anh, bớ chị ta hò / Sáng mai ra ngõ gặp con cò nó bay ngang / Cũng bởi anh có
thói chàng ràng / Cho nên tình không bén, nó lỡ làng duyên nhau”. Tức thì bên
nam đáp lại: “Này em này chị ta hò / Cho cối gạo trắng, con cò bay xa / Anh
thương em, đứng tận đàng xa / Bởi tính anh nhút nhát, sợ mẹ cha em gờm gờm”.
Bên nữ cất tiếng: “Ngó lên tháp cổ em hò / Hò mừng anh đến cất câu hò cùng em”.
Bên nam “vui vẻ nhận lời”: “Em mời hò thì anh cũng hò / Trên ngọn tháp cổ, ớ
hò, ông vua Chiêm ổng ngồi”. Cứ thế, bên nam hát, bên nữ đáp hoặc ngược lại, mà
toàn là những bài ứng tác mau lẹ, tài tình lắm. Người ta đã hát cho tới trăng
tàn trên cả đồng quê, bao nhiêu cám bay phưởng phất, bao nhiêu cối gạo giã trắng
ngời, mới thôi.
Hò
cấy lúa đêm trăng cũng là hò đối đáp. Nhưng chỉ có giọng nữ mà không có giọng
nam (vì con trai không biết cấy lúa). Cô thợ cấy này hò mở màn: “Đã mời em, thì
em cất tiếng hò / Cái đám ruộng cấy be bờ đêm trăng / Đã thương, thương đến
chóp ngọn tháp chín tầng / Không thương đừng đến, nó lằng nhằng khổ nhau”. Chị
kia hò nối tiếp: “Con mắt em con mắt dao cau / Nó liếc một cái, đứt mau sợi
lông mày / Thương cha mẹ, em không kể tháng ngày / Thương chồng, em thương trọn
đời này của em”. Chị em vừa hò vừa cấy mạ non, còn đám ruộng thì lấp loáng ánh
trăng.
Người
ta hò hát để ca ngợi cảnh sông quê khi sương mai dăng mờ, khi trời trưa đứng
bóng nắng, khi là một cảnh trăng nước mênh mông, diệu vợi… Nhờ có hò hát mà đò
ngang mau tới bến, đò dọc không ngại sông dài để tiếp tục cuộc viễn hành, cho lữ
khách với người cùng thuyền nẩy nở một ân tình mới nhen.
Những
điệu hò này sẽ mãi mênh mang cùng sông nước. Sông nước không chỉ êm đềm mà còn
có thác ghềnh. Người ta còn phải hò để lấy sức mà vững tay chèo chống, nhất là
đối với những người chống bè gỗ, bè súc trên sông.
Bình
Định thuộc Nam Trung Bộ, có dân ca Bài chòi. Nông dân ngồi đâu hô bài chòi đấy,
quen miệng rồi, và cũng tại cái “máu” văn nghệ do cha sinh mẹ đẻ. Ngày Tết đến,
người ta tổ chức hội đánh bài chòi, thành hội vui xuân trong các làng quê.
Trong sân chơi, chín chòi dựng lên, cho người ngồi trên đánh (một hình thức
đánh bài ăn tiền, nhưng không ăn thua lớn), người đứng dưới coi, anh hiệu (người
diễn xướng, cũng là nông dân) biểu diễn ở giữa sân. Tết Tân Mão – 2011, tôi đi
dự hội đánh bài chòi chợ Gò - Tuy Phước với nhà văn Trương Văn Dân và người vợ
quốc tịch ITALIA của anh, cô E-LE-NA trẻ đẹp. Khán giả chật sân chơi, hào hứng
lắm. Cô bạn người ITALIA nói, cô chưa thông thạo tiếng Việt, nhưng ở đây cô được
thưởng thức một nghệ thuật của đại chúng đầy thi vị, hiểu và cảm được bài chòi
qua các làn điệu, cử chỉ của anh hiệu. Cô bảo, mình còn thích âm nhạc, nhất là
tiếng trống chầu và ông chủ tọa mặc áo thụng xanh bông chữ thọ, đội khăn đóng
ngồi nghiêm nghị, cầm roi chầu, đánh ình…ình…điểm câu hát và cũng để tán thưởng
anh hiệu. Tới khi mãn cuộc chơi, ra về, ai cũng khen các anh, chị hiệu vừa có
tài ứng tác vừa hô hay.
Nông
dân chẳng những mê hát, mê hò khoan, mê dân ca mà còn mê cả hát bội là món văn
chương bác học. Người Bình Định nghe ở đâu có hát bội thì đến, cho nên mới đặt
vè: “Rằm giêng hát bội Phò An / Đến ngày mười bảy hát sang chùa Bà / Hai mươi,
hăm mốt, hăm ba / Muốn gần Chợ Rượu muốn xa Cảnh Hàng / Chim kêu trên núi Chà
Rang / Em đi xem hát giần sàng mốc meo” cho dễ nhớ mà đi xem, khỏi bỏ sót một bữa
nào. Bình Định xưa nay vẫn được coi là cái nôi của hát tuồng, một trong những
nơi nuôi dưỡng và phát triển nghệ thuật tuồng: Các nhà soạn tuồng trứ danh Nguyễn
Diêu, Đào Tấn; đào kép hay như; Bát Phàn, Bầu Đông, Minh Đức, Ngọc Cầm, Hoàng
Chinh… Cũng ở đây, đông đảo khán giả say
mê tuồng; ra đời một nhà hát mang tên vị hậu tổ tuồng: Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Trong các lệ cúng tế ở đình làng, bao giờ cũng có hát bội để trước tạ ơn Thành
Hoàng, sau đãi bàn dân thiên hạ xem.
Trên
đây, hầu hết những câu hát ru, bài hò, câu ca được dẫn là do chính những người
trong cuộc ứng tác, trình diễn mà chúng tôi nghe, rồi ghi lại.
Ngày
nay điện lực, đủ thứ máy móc về làng. Cũng theo về làng cả ly cà phê đen, chiếc
điện thoại di động… Những thứ này đến thì nhiều cái cũ ra đi, trong đó có các
làn điệu cũ đã đánh bạn với nông dân không chừng đến mấy ngàn năm. Hình như
chúng không hạp nhau? Vả lại, lao động nông thôn ngày nay không như hồi xưa.
Nông dân ngày nay lao động với máy móc, cặm cụi tối ngày đến quên cả món ăn
tinh thần. Dù cho có bài chòi, hát bội là “bạn cố tri” đến, chưa chắc bác nông
dân đã dám gác công việc lại để đi xem. Còn chuyện hát hò giã gạo, hát hò cấy
lúa đêm trăng ở thời này là chuyện “bất khả thi”. Thảng hoặc có người nhớ bữa,
kêu lên: “Mình bị đói món ăn tinh thần”!
Huỳnh Kim Bửu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét