Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

KHOẢNG TRỐNG VĂN HỌC SỬ QUA CHƯƠNG TRÌNH GIỚI THIỆU NỮ SĨ TUỆ MAI


Sáng nay, chủ nhật 2.11.2014, tại Trường THPT Đức Trí (742/10 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, Saigon) có buổi giới thiệu nhà thơ nữ Tuệ Mai (1923 - 1982). Đơn vị tổ chức là Trung Tâm Unesco Nghiên Cứu Văn Chương Việt Nam phối hợp với Trường Đức Trí.

Nữ sĩ Tuệ Mai là con gái của cụ Á Nam - Trần Tuấn Khải (1895 - 1983). Cụ Á Nam là người từng có liên hệ hoạt động yêu nước với các chí sĩ Phan Bội Châu, Huỳnh thúc Kháng... Sau 1954, có một thời cụ làm việc tại Thư Viện Quốc Gia ở Sài Gòn. Tuệ Mai biết làm thơ từ lúc nhỏ, có thơ đăng báo vào năm chỉ mới 12 tuổi. Khoảng thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước Bà cộng tác với các tạp chí Phổ Thông, Bách Khoa, Liên Hoa, Giác Ngộ… Tác phẩm của Tuệ Mai đã xuất bản :

            -  Thơ Tuệ Mai - Doãn Quốc Sỹ, Sài gòn năm 1962
            -  Không Bờ Bến - Sáng Tạo, Sài gòn 1964
            -  Như Nước Trong Nguồn - Văn Uyển, Sài gòn 1969
            -  Trên Nhánh Sông Mưa - Sáng Tạo, Sài gòn 1970
            -  Bay Nghiêng Vòng Đời - Sáng Tạo, Sài gòn 1971
            -  Về Phía Trời Xanh - Tủ Sách Văn Chương, Sài gòn 1973
            -  Suối Mây Hồng - Tủ Sách Văn Chương, Sài gòn 1974

Qua chương trình giới thiệu nữ sĩ Tuệ Mai, hình ảnh thú vị đầu tiên là không khí sinh động liền anh liền chị ca quan họ và mời trầu khách tham dự, cũng như nghe giọng ngâm vẫn còn mượt mà của nữ nghệ sĩ Hồng Vân diễn đạt thơ Tuệ Mai. Điều đáng ghi nhận là Thơ và Đời của Tuệ Mai được diễn giả - Ninh Giang Thu Cúc trình bày đầy cảm xúc, trang trọng mà lôi cuốn. Khách tham dự còn nhận được quà tặng từ gia đình nữ sĩ (Á Nam Lưu Niệm Đường) tác phẩm Nữ Sĩ Tuệ Mai Thân Thế & Sự Nghiệp - sưu khảo của Ninh Giang Thu Cúc xuất bản năm 2007.



Nghệ sĩ Hồng Vân

Trước buổi giới thiệu Tuệ Mai, qua một số thông tin từ mạng xã hội facebook thì hầu như ít ai biết Tuệ Mai là ai. Trong khi đó Bà chính là tác nhân tạo nên tập thơ Động Hoa Vàng nổi tiếng một thời ở miền nam, tập thơ mà ai cũng biết là từ đó Phạm Duy đã phổ nên nhạc phẩm Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng. Bà là nàng thơ của một cư sĩ đã làm cho ông muốn quay về với thế tục :

            Đố ai tát cạn mạch sầu
            Thì ta để tóc lên cầu đón ai
            (Động Hoa Vàng - PTT)

Người biết về Tuệ Mai không nhiều, hầu như chỉ là những người đã từng gần gũi với Bà. Cũng dễ hiểu, chúng ta hiện có một khoảng trống văn học sử cận đại. Khoảng trống khá lớn lao. Những người tuổi đôi mươi vào năm 1975, qua giáo trình đã học, họ có thể hình dung được lịch sử văn học thời Lý Trần, hoặc thời các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương đớn đau trước những đổi thay của thời thế…, nhưng không dễ gì họ rõ được những dòng thơ của thập kỷ 60, hoặc 70 của thế kỷ trước. Thời gian nầy họ còn quá trẻ, đọc báo, đọc sách chưa đủ điều kiện để ghi nhận có hệ thống trong ký ức, khi lớn lên thì sách vở của thưở ấy đã mất mát, không có mặt trên thị trường chữ nghĩa. Tự bản thân xã hội đã từ chối một giai đoạn lịch sử văn học.

Nhà thơ Lan Hinh, người em gái của Nữ sĩ Tuệ Mai

Hiện nay điểm lại các kệ văn học trong các nhà sách, chúng quá khiêm tốn so với các kệ sách học cách làm giàu và những thứ trời ơi đất hỡi khác. Ngay như tác phẩm Nữ Sĩ Tuệ Mai Thân Thế & Sự Nghiệp - sưu khảo đáng trân trọng của Ninh Giang Thu Cúc xuất bản từ năm 2007 mà bấy lâu đã có mấy người đọc được. Ngay như Quán Văn, một tập san văn học đã cạy cục cho ra đời đến nay đã là số 26, Quán Văn cố gắng giới thiệu một số tác giả cận đại cùng thế hệ với Tuệ Mai như Nguyễn Bắc Sơn, Hoài Khanh…, mấy khi nay người tìm đến để mà mua cũng chẳng thể gọi là nhiều. Tự bản thân xã hội đã có những chập chờn với lịch sử văn học.

Diễn giả Ninh Giang Thu Cúc
Tác giả sưu khảo NS Tuệ Mai - Thân Thế & Sự Nghiệp

Trong buổi giới thiệu Nữ sĩ Tuệ Mai lúc sáng nầy, người đến dự hầu như không có lứa tuổi mười chin đôi mươi. Đơn vị phối hợp cùng tổ chức là một trường THPT mà không có lấy một lớp học sinh đến nghe để biết về hình ảnh văn học của một thời. Đến đây lại bỗng nhớ da diết ngày nhà thơ Quách Tấn về trường xưa trò chuyện Đào Tấn Cùng Hát Bội với học sinh TH Quang Trung Bình Khê khoảng đầu năm 1974. Có thể Trung Tâm Unesco Nghiên Cứu Văn Chương Việt Nam cũng muốn định hình lại một giai đoạn văn học ở miền nam trước 1975, nhưng những tâm huyết và cố gắng nầy không bù lấp nổi hiện tượng xã hội hiện nay. Hiện tượng một xã hội tự bản thân xa rời với lịch sử văn học.

Với một khoảng trống văn học sử như vậy, không biết hiện đã có công trình nào hệ thống lại những dòng thơ của các nhà thơ nữ ở miền nam trước 1975 chưa. Thôi thì cứ tạm ghi lại ít nhiều những gì đã thu nhận được. Thôi cứ thế vậy…

Phan Trường Nghị
Khóa lớp 1968 - 1975
TH QuangTrung BinhKhe


2 nhận xét:

  1. Nặc danh21:16 2/11/14

    Cảm ơn Phan Trường Nghị đã chuyển thư mời về buổi kỉ niệm đầy ý nghĩa này. Hình như những cảm nhận xót xa về khoảng trống VHS của Nghị cũng là của nhiều người cầm bút hay yêu mến văn chương nước nhà.
    Một buổi sáng thật xúc động. Tiếc thì cũng còn nhiều cái đáng tiếc lắm...Nhưng tiếc hơn cả là chiều nay, cùng người bạn phương xa về đến thăm nhà thơ Phạm Thiên Thư, mình hỏi sao sáng nay anh không dự? Anh nói ngay: Ồ thế sao? đâu có ai bảo cho biết đâu mà tôi đi!!??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà sáng giờ mình cứ tự trả lời : PTT vắng mặt vì anh ấy qua Đoạn Trường Vô Thanh đã đạt tới mức thượng thừa : Mọi thứ đều vô thanh...

      Xóa