Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

CỦ TỪ VÀ TUỔI ẤU THƠ



Tôi sinh ra ở quê nội là vùng biển nên chuyện khoai củ không lấy gì làm rành lắm… Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng ngày giỗ chạp bên nhà ngoại, mẹ tôi thường dẫn tôi về nên chỉ biết một ít loại củ. Củ lang, củ mì, củ mặc, củ mỡ và củ từ.

Quê ngoại tôi gần như là cái rẻo đất còn lại của xã Mỹ Cát. Hội Thuận nằm giữa xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh. Do bám theo trục đường từ chợ An Lương lên ngả ba Nhà Đá Mỹ Hiệp nên thôn Hội Thuận rất nhỏ. Bề ngang chỗ rộng nhất chỉ chừng 100m. Ruộng lúa có rất ít, cơ bản là đất soi, đất núi dưới chân núi. Dọc theo chân núi người dân quê ngoại tôi trồng đủ thứ tùy theo mùa : củ nghệ, củ mì, củ kiệu, mía và nhiều thứ khác nữa.

Có hai thứ mà tôi không thể quên ở ngoại : Bột mì nhứt và củ từ.

Mỗi lần về quê ngoại mẹ tôi vẫn phải cõng tôi đi. Đường thì xa và tôi còn nhỏ. Khi về lúc nào bà con cũng cho mẹ tôi một ít quà của quê ngoại. Lúc thì một cục bột mì nhứt to tướng. Có lúc là chục ký củ từ, vài trái bí đỏ to bằng cái nồi lớn.

Bột mì nhứt mẹ tôi thường làm bánh tai dạt (vạc) vì miền biển luôn sẵn tôm đất để làm. Làm bánh hay làm chả dân biển quê tôi chỉ chọn thứ tôm đất chứ ít khi chọn thứ tôm khác như tôm bạc, tôm đinh. Tôm rằng thì ít nên chỉ dành để nấu cháo cho người già bệnh hay con nít. Bột mì nhứt cũng có thể đem khuấy rồi dùng đũa dích từng cục xoay tròn cho dính vào đôi đũa và chấm với nước mắm ớt tỏi. Phải nói thứ bột này khuấy chấm nước mắm là món tôi vẫn còn thích cho đến ngày nay.

Khi đem củ từ về (cũng như củ mặc, củ mỡ) mẹ tôi bỏ vào góc bếp. Vì quê tôi ngày xưa nên nhà không có tráng xi măng hay lát gạch như bây giờ. Nền nhà là cát trắng biển nên cứ để vào đấy. Củ từ có thể để lâu mà không sợ hư.

Do là hàng quý nên củ từ ở quê miền biển không có luộc rồi ăn như ở nhà quê. Chỉ dành để nấu canh súp với tôm hay chút thịt nạc. Củ từ nấu nhuyễn làm thành nồi canh sệt sệt ngọt lự chất tươi của tôm nên rất tuyệt vời.

Năm đầu tiên mới giải phóng.

Hoàn cảnh chung của đất nước thời đó rất khó khăn. Các Cụ gọi thời đó là “gạo châu củi quế”. Gạo của chính quyền cấp phát (gọi là gạo phường) thường là gạo đã lâu năm. Lượng gạo mục chiếm 1/3 trọng lượng số gạo được nhận. Người dân tỏa về các miền quê để làm lụng kiếm thêm chút gạo về ăn.

Trong khoảng thời gian đó thế hệ thanh niên mới lớn như chúng tôi làm đủ thứ để “kiếm gạo”. Có khi ra vùng Lương Nông - Đông Định (khu phố 4 phường Nhơn Bình ngày nay) vớt rong về bán cho những người nuôi heo cũng quy ra gạo (gia đình Thằng Triết bán cà phê ở Nhơn Hòa, mối ruột của @truongvinhloc là một gia đình điển hình). Rồi đi củi lên vùng Vân Canh, Long Mỹ, Phước Thành chở về cũng tính ra gạo. Những người có tên đi lao động công ích bên Hội Lộc nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà không đi phải thuê người khác làm thay cũng quy ra gạo. Từ Quy Nhơn thồ muối lên Vĩnh Thạnh, cầu 26, dốc Đá chẻ đổi lúa hay gạo. Ngay cả những đoàn người đi bán cà rem ở An Khê, Lệ Trung hay Gia Lai cũng có thể đổi cà rem lấy gạo.

Chiều Sông Côn

Trong giai đoạn đất nước chiến tranh, những người chài bộ như chúng tôi thường không đi xa. Sau ngày giải phóng, chúng tôi mới mang chài đi khám phá các khu vực khác. Dọc theo sông Côn chúng tôi đi chài từ Gò Bồi (Phước Hòa) rồi Thạnh Hòa, ngược dòng sông Côn lên đến Tây Sơn. Tại vùng Thượng Giang, Đồng Phú Trung (bây giờ không biết là xã nào của huyện Tây Sơn) chúng tôi đã từng đổi cá lấy những thứ gì có thể ăn được như: củ từ, gạo, đường lu…Vùng này củ từ rất nhiều và rất ngon. Củ từ có đặc điểm là không nóng cổ và rất dễ ăn. Buổi sáng chỉ cần luộc một ít củ chấm với đường ăn cho no bụng là có thể đi chài đến trưa. Gạo thì để dành mang về gia đình. Có khi hết một đợt mỗi đứa mang về cả bao bố củ từ.

Một thời gian dài chúng tôi sống như thế dọc theo dòng sông Côn.

Củ từ gắn với thời ấu thơ. Ngày nay mọi thứ đã khác, chỉ ở vùng nhà quê chứ dân thị thành ít ai biết củ từ. Khoai lang, khoai mì, khoai môn thì phổ biến hơn, bán nhiều ở chợ từ thành thị đến nông thôn.

Nhìn mớ củ từ mà Cụ thân mẫu của @5baulung gửi cho con mang vào Nam, không ai trong chúng ta quên đi hình ảnh “nội hàm” của nó. Ngay cả @truong vinhloc còn phải đắn đo khi “ nước mắm gửi lên, củ từ gửi xuống”

anh5baulung » 31-01-2012, 21:06
@Pác Lộc:

Xin lỗi, bà già mình không nhớ pác tên Lộc. Trước khi có nước mắm Qui nhơn mà bác đem biếu, mẹ nói " thằng mập Quinhon vui tính", sau này bà nói" thằng mập Quinhon có nước mắm ngon". Vậy, nhớ lâu lâu đem nước mắm lên đổi ớt bay và củ từ nghen?

truong vinh loc » 31-01-2012, 21:09
Lờ ô lô ngã lỗ đó pác 5! ai bày cho bác cái lòng tham nhỏ như cái bàu thế hả

anh5baulung » 31-01-2012, 21:19
Lỗ gì cha nậu"? Một chai nước mắm cho Ông tự hái 2 kg ớt bay, 1 kg củ từ được chưa? Cuối tháng 2 này, mấy cây ớt dưới bụi khế lũ khũ trái. Ông Ner đã khen tài hái ớt của bác mà. Nên nhớ là tự hái mới hấp dẫn, OK?

Rất nhiều người không biết nó là củ từ. Nhiều người chưa một lần thưởng thức nó. Nhưng với những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Định, trải qua những thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử, củ từ vẫn còn mang dấu ấn quê hương.

“Con ráng mang mớ củ từ vào, cứ để dưới đất, khi nào muốn ăn thì nấu cho các cháu ăn, không hư đâu - Năm nay mẹ trồng được mùa.”

Có đáng bao nhiêu mớ củ từ đó ?

Nhưng đó là tình cảm, là niềm vui được mùa của người mẹ, là mật ngọt của quê hương người mẹ già làm quà cho con. Mang củ từ vào Nam như mang cả trái tim của người mẹ.
Đó như dòng sông đưa ta đi hết một kiếp người, những đứa con xứ Nẫu xa quê.

Võ Mỹ Cát
FFC BinhDinh

1 nhận xét:

  1. Củ Từ là Củ Khoai Từ
    Cũng đầy tinh bột như Củ Khoai Lang
    Khoai Mì-Khoai Mỡ-Khoai Sắn
    Cũng Khoai từ Củ dạng nằm đất sâu
    Được Cái Khoai Từ rất hảo
    Cho bệnh tiểu đường ăn vào không sao!?
    Ăn nhiều đường vẫn không cao
    Cứ ăn thoải mái Khoai vào bụng Ta
    Cái bụng cũng nghe thật thà...
    Dễ chịu cũng từ lòng dạ mến thương..
    Kỷ niệm Tuổi Thơ mãi còn...
    Từ trong tâm tưởng ruộng đồng Quê Hương
    Củ Khoai Từ đó ngọt ngon..
    Nấu Canh hay luộc vẫn ngon như thường..
    Bóc vỏ mà lột nghe sướng..
    Vỏ theo tuồn tuột láng trơn Khoai mình
    Trong trắng trong veo trắng tinh
    Khoai bị mắc nước khắc nhìn biết ngay?
    Khoai Từ luộc từ Bàn tay
    Của Mẹ ăn ấm những ngày Mùa Đông
    Càng nghĩ càng nhớ ngập lòng..
    Củ Khoai bình dị nhà Nông ưa dùng...

    Trả lờiXóa