Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

PHÊ BÌNH VĂN HỌC

VÀI SUY NGHĨ VỀ “HIỆN TƯỢNG” PHÊ BÌNH VĂN HỌC


Cách nay gần một năm – tôi có dịp vào Saigon, người bạn văn – là một nhà thơ trẻ, đến thăm, chở đi uống café ở quán 64, Trần Quốc Thảo – tình cờ gặp lại người bạn văn đã xa cách gần 40 năm – là một nhà nghiên cứu – biên khảo cũng đang ngồi nhâm nhi café ở đó. Trước 75, tôi gặp và quen anh tại tòa soạn tạp chí VĐ – biết anh không chỉ là nhà nghiên cứu, lý luận, mà còn là nhà phê bình văn học rất sắc sảo và uy tín!

Sau những lời thăm hỏi nhau, tôi nói : Tôi vẫn thường theo dõi anh, thấy anh viết ít hơn, và sách xuất bản cũng không đều như xưa …. Anh cười : Người ta vẫn thường kêu, nhà nghiên cứu và nhất là nhà lý luận phê bình, thiếu vắng quá trong sinh hoạt văn học, nhưng - anh thử nhìn lại coi – đội ngũ ấy đã xuất hiện (trên trang báo hay các trang Web. Blogs) đông đảo quá đấy chứ?.

Người bạn văn (là nhà thơ trẻ), tiếp lời anh một cách tỉnh bơ: Thì làm thơ đã in ba bốn tập không ra trò gì, viết văn đôi ba truyện không xuôi, không có hồn vía gì – chuyễn qua làm nhà phê bình là ngon nhất rồi. Còn gì hơn ?!

Tôi trở về, sau nầy - có nhiều dịp suy nghĩ và kiểm chứng lại lời của hai người bạn văn hôm ấy – có đôi điều muốn bày tỏ về Hiện Tượng Phê BìnhVăn Học  trong sinh hoạt VHNT của chúng ta hôm nay - như một góp ý nhỏ cho công việc tưởng dễ mà rất gian nan nầy…

1. Đúng là đội ngũ những nhà phê bình đã xuất hiện ngày càng nhiều – không thiếu! Từ tay ngang (là nhà thơ, nhà văn …không trụ được ở lãnh vực sáng tác như người bạn trẻ đã nói), đến các nhà khoa bảng  là Giáo sư, Phó giáo sư – Tiến sĩ, Thạc sĩ (…) chuyên nghiệp cũng đã năng nổ hoạt động bằng các bài viết (cả sách xuất bản) tràn ngập trên mạng và sạp sách báo thật. Nhưng tại sao trong các cuộc hội thảo, người ta vẫn “kêu” là đội ngũ làm công tác  lý luận phê bình quá mỏng? (Thậm chí trong một thời gian dài vắng bóng ?).

Nghĩ về các bài viết của các nhà phê bình (xuất thân từ làng thơ, văn…) – như nhà thơ trẻ nhận định – quả thật là họ đã múa bút vô tội vạ! Phóng bút – thao thao, không cần những lời nhận định – phê bình của mình có suôn sẻ không? Có chính xác, có “ăn khớp” gì đến tác phẩm không?  Rồi sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến người đọc (nhất là cho tác giả bị đem ra mổ xẻ - dù là chỉ để khen) hay không?. Tóm lại, là họ vô tư viết – và rồi vô tư thảy lên các trang mạng (hay mặt báo) – mặc kệ! (Đâu có ai phản bác gì? > Mà ai dại gì phản bác?).

Bài viết đã không có phát hiện gì mới lạ trong tác phẩm, không có nhận định gì chân thật chính xác đã đành – mà đôi khi còn làm méo mó nội dung tác phẩm nữa! Thậm chí. ngay câc thể loại văn học chưa phân biệt nổi (kể cả các nhà lý luận – phê bình có học hàm học vị lớn) – mà làm công việc lý luận, phê bình thì làm sao đây?

2.  Hằng năm – các trường đại học vẫn cứ sản xuất đều đều các Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ đủ các ngânh học (…), rồi sau đó vài năm, phong chức danh Phó Gs, Gs vvv để đáp ứng yêu cầu của cấp đại học (và mặt bằng trong khu vực) – mà thực chất, có rất ít vị đảm trách được tốt vai trò của mình trong ngành.

Nói riêng trong lành vực văn học – để trở thành nhà phê bìnhlại càng khó khăn và nhiêu khê hơn nhiều! Ngoài học vị là phần kiến thức căn bản tối thiểu, còn đòi hỏi ở nhà phê bình một quá trình trải nghiệm dài lâu, một khối óc sáng tạo nhạy cảm, tinh tế, và một tâm hồn rộng mở biết lắng nghe từ nhiều phía. Người ta vẫn thường lầm tưởng (và ngộ nhận, lẫn lộn) rằng các loại bằng cấp ấy là mặc nhiên trở thành nhà phê bình văn học chính thống! Có quyền tối thượng trong việc khen – chê các tác phẩm văn học đã (và đang) được giới thiệu … (mà không biết rằng, các danh vị ấy, chỉ có thể được công nhận đứng trên bục giảng ở VN mà thôi!). Từ bục giảng đường (theo giáo trình quy định) đến đời sống và sự sáng tạo nghệ thuật (không theo khuôn mẫu nào ngoài sự tự do sáng tạo hướng đến chân giá trị ngày một thay đổi và phức tạp), cách nhau rất xa! Tuy vậy, bài viết phê bình nào được dán cái mát Gs, Phó Gs, Tiến sĩ, Cử nhân …) là đương nhiên được choàng lên tấm áo … giá trị nghệ thuật  bất khả xâm phạm (!)

Theo thiển ý, như vậy - nhà phê bình không thể hiểu đơn giản chỉ có học vị - nhưng còn cần phải có những điều kiện (hay khả năng) khắt khe mà một trong những điều kiện ắt có là tấm lòng nhiệt thành quan tâm đến sự hưng phế của nền văn học, với một tâm hồn rộng mở, trong sáng, vô tư.

Thứ đến, họ phải chịu khó tìm đến với tác phẩm, chịu khó dọc và lắng nghe, chịu khó khai mở những điều tốt đẹp ần khuất trong tác phẩm (cũng như công bình với những điều chưa tốt còn phơi bầy) để làm người bạn đồng hành đáng tin cậy của tác giả, của người đọc … Hơn thế nũa, nhà phê bình cần có một tinh thần trách nhiệm cao với công việc thẩm định giá trị nghệ thuật và hướng dẫn dư luận của mình: Họ luôn luôn phải là người bạn tốt, chí tình của tác giả, cũng như của người đọc … Họ phải có đức tính tàm sỉ luôn theo họ đến suốt cuộc đời cầm bút (…). Nếu không được vậy – họ chính là những người đội lớp phê bình (hay ngụy phê bình)  sẽ tạo ra sự trì trệ u ám cho sự phát triển văn học - nếu không muốn nói là làm hỏng nền văn học mà tất cả đã và đang gắng sức bồi đắp qua nhiều thế hệ…

Nhìn lại phạm vi phê bình trong sinh hoạt VHNT hiện thời – lượng thì có thừa, mà chất thì thiếu vắng lắm vậy!

Xem ra là chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào!

Quê nhà, tháng 5 năm 2013
MANG VIÊN LONG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét