Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

BA CHÌM BẢY NỔI LỄ TIẾT – TẾT HÀN THỰC



Trước xưa ở Việt Nam có những lễ tiết mà nay lần hồi đã đi vào quên lãng, như Hàn Thực (mồng 3 tháng Ba), Thất Tịch (mồng 7 tháng Bảy), Trùng Dương (mồng 9 tháng Chín)… Dĩ nhiên lễ tiết sinh hoạt ở trong dân gian, nếu không hiện diện trong ca dao, tục ngữ thì đôi khi thể hiện trong thơ văn của những nhà khoa bảng, văn học. Có thể sơ lược một đôi bài liên quan các lễ Tiết đó:

+ Về tết Thượng nguyên, có bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu của Nguyễn Du, nói đến nỗi niềm của người góc biển chân trời đêm Rằm tháng Giêng, trăng sáng đầy trời vẫn đến với kẻ cùng đường tuổi mới ba mươi.

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên

+ Về tết Hàn thực, có bài Vịnh Hàn Thực Bính, mà thường được biết tiêu đề đó dưới cái tên là Vịnh Bánh Trôi Nước, của Hồ Xuân Hương.

Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son

+ Về Thanh minh là bài Thanh Minh của Nguyễn Trãi, nỗi lòng của người đã mấy năm lưu lạc, xa nhà nghìn dặm không săn sóc được phần mộ tổ tiên.

Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua.
Thiên lý phần doanh vi bái tảo,
Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma.
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,
Quá bán xuân quang tê cú hoa.
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cuỡng,
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.

+ Về Đoan ngọ, cũng Nguyễn Trãi có bài Đoan Ngọ Nhật, mô tả nét ăn Tết mồng 5 tháng Năm của người Việt.

Thiên trung cộng h trị giai thần
Tửu phiếm xương bồ tiết vật tân
Tiến thiếp đương niên tư Vĩnh Thúc
Trầm Tương để sự thán Linh Quân
Tịch tà bất dụng ty triền tý
Tùy tục liêu vi ngải kết nhân
Nguyện bả lan thang phân tứ hải
Tòng kim táo tuyết cựu ô dân 

+ Về ngày Thất tịch, Cao Bá Quát có bài Hát nói Thất Tịch, cười cho những kẻ bảng vàng mà nét gấm đã phai, đang say lũ hồng nhan ngất nghểu trên lầu.

.....
Chẳng biệt ly ai dễ biết chữ tình,
Hỏi Ô Thước doành Ngân khơi mấy dặm?
Ngao ngán nhẽ rẽ bảng vàng phai nét gấm,
Ngậm ngùi thay chênh bóng quế chếch giương thu.
Nhãn xuyên trường đoạn vị Khiên Ngưu,
Mười hai tháng mới đêm nay là thất tịch.
Cung nguyệt gác đầu non chênh chếch,
Lũ hồng nhan còn ngất nghểu trên lầu.
Giọt lay thay trận mưa ngâu.

+ Về Trung thu, Nguyễn Văn Siêu đã có bài Trung Thu Ngọa Bệnh, đau bệnh cũng ráng dậy mà xem đàn con tranh nhau đùa giỡn trước đèn.

Tu tri nhân sự diệc do thiên,
Nguyệt đáo trung thu nguyệt tự viên.
Đối thử bất kham yêm bệnh ngoạ,
Khởi khan nhi bối cạnh đăng tiền.

+ Về ngày Trùng cửu, Nguyễn Khuyến đã ôm vò rượu mà ngủ, hào hứng gì mà đi thưởng ngoạn trước thương tâm núi non không còn xanh, hoa cúc không còn vàng như ngày trước… ở trong bài Kỷ Sửu Trùng Dương Kỳ Nhất.

Phong vũ tiêu tiêu cửu nguyệt thiên,
Sơn hà cử mục tụi kham liên.
Tiểu trì lục trướng nãi như thử,
Khứ tuế hoàng hoa thù bất nhiên.
Liễu diệp thùy thanh quang thấu nhật,
Trúc ly tích thúy mộ phù yên.
Cận lai bất tác đăng cao hứng,
Túy ngoạ hàn song bão úng miên

 (…)

Không thể nói được hết tâm sự đa mang của những kẻ “nòi tình” đối diện ngày lễ tiết. Nhưng cũng vì nỗi ba chìm bảy nổi của lễ tiết mà con người tương tác với nó mỗi nơi có mỗi khác. Như tết Hàn thực xưa bên Trung Hoa đã từng lên bờ xuống ruộng, mà nay hầu như Việt Nam ít có người để tâm tới nó.


Tết Hàn thực, ngày chỉ ăn thức ăn nguội, có gốc gác của người Hoa. Chuyện liên quan đến nó, rõ nhất là ở trong truyện Đông Chu Liệt Quốc. Nguyên vào thời Xuân thu (771 – 476 TCN), các chư hầu có Ngũ bá lấn át hết vương quyền nhà Chu, theo Sử Ký của Tư Mã Thiên thì đó là Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tần Mục Công, Tấn Văn Công và Sở Trang Vương.

Tấn Văn Công thuở còn là công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn, vì mẹ không phải là chánh thất, trong thế đương đầu giành ngôi vị với dòng chính, phải 19 năm trời lưu vong hết Tề đến Sở… Trong nhóm người cùng tòng vong có Giới Tử Thôi, đi theo lập mưu giúp kế, từng phải cắt thịt đùi nấu cháo cứu Trùng Nhĩ trong những ngày khốn đốn, cạn lương thực. Trùng Nhĩ rất cảm kích. Khi Tần Mục Công đem binh yểm trợ, đưa Trùng Nhĩ về nước, qua sông Hoàng Hà, bao nhiêu chiếu nát, màn rách… Trùng Nhĩ đều cho vứt bỏ hết xuống sông, lại còn nói với Hồ Yển cũng là kẻ tòng vong:

- Ngày nay ta sắp về làm vua nước Tấn, thiếu gì đồ châu báu, còn dùng chi đến những vật hư nát ấy!

Hồ Yển thở dài mà than:

- Công tử chưa được phú quý mà đã quên lúc bần tiện, mai sau có mới nới cũ, coi lũ chúng ta khác nào những vật hư nát ấy… 

Thế rồi Hồ Yển lập thế buộc Trùng Nhĩ phải thề không được quên ơn những kẻ đã đi theo, cùng lưu lạc bấy lâu. Về nước lấy được ngôi, Trùng Nhĩ hậu thưởng cho những người đi theo có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Tử Thôi không đòi hỏi, lúc qua sông Hoàng Hà lòng đã có ý thoái lui, giờ lại thấy bọn người cùng đi với mình thuở trước đang khoe công tranh quyền, oán giận nhau. Ngán ngẩm, Tử Thôi cáo bệnh về nhà khâu giày nuôi Mẹ. Chừng có người nhắc, Trùng Nhĩ nhớ ra cho vời đến để ban thưởng, nhưng Tử Thôi không tuân mệnh. Bà Mẹ hiểu chí con, bèn cùng con đến đất Miên Thượng, đi vào núi ẩn tích. Thấy Tấn Văn Công buồn phiền, cận thần cho đốt núi, với ý là để Tử Thôi vì hiếu mà phải cõng Mẹ ra. Hai mẹ con quyết chí, thà ôm gốc cây chịu chết cháy trong núi. 

Tấn Văn Công thương xót, cho lập miếu thờ, gọi núi ấy là Giới sơn, lấy theo họ của Tử Thôi. Người đời tưởng nhớ Tử Thôi, hằng năm đến ngày mất của ông không nỡ đốt lửa, chỉ ăn đồ nguội. Theo Sơ Học Ký cũng như Phong Thổ Ký thời Tây Tấn (266 – 316), có cho biết việc tế Địa Liệp thần ở đất Cối Kê, chuyện ăn đồ nguội vì Giới Tử Thôi nước Tấn, chuyện tưởng nhớ Khuất Nguyên và Ngũ Tử Tư cũng người nước Sở, việc lễ tế hiếu nữ Tào Nga đời Đông Hán, 5 câu chuyện này đều liên quan cùng một ngày mồng 5 tháng Năm, mà thường gọi là ngày Tết Đoan ngọ.

Không rõ vì sao vào đời Đông Hán, có phải vì không ưa cách quần thần từng đem máu thịt của mình làm nên vương đế cho người, lại không chịu nhận công trạng như Tử Thôi đã ứng xử hay không, Tào Tháo ban Minh Phạt Lệnh, bãi bỏ tập tục ăn đồ nguội, không muốn ai nhắc đến Giới Tử Thôi nữa. Đến đời nhà Đường, theo Đường Hội Yếuđã chép, vào tháng 3 năm Thiên Bảo thứ 10 (năm 751) Đường Huyền Tông đã hạ lệnh kể từ đây, hằng năm tính từ ngày mồng 3 tháng Ba cấm lửa 3 ngày, gọi là tết Hàn Thực.

Thường thì lễ tiết đã hình thành từ lâu trong dân gian, thủ tục hành chính của chính quyền có công nhận cũng chỉ là hợp thức hóa. Chuyện Tết Hàn thực của người Hoa giống như ngày giỗ Tổ Hùng vương của Việt Nam. Ngày Quốc tổ Việt Nam mồng 10 tháng Ba đã chính thức hóa bằng luật chỉ chừng 100 năm nay. Năm 1917 niên hiệu Khải Định thứ 2, bộ Lễ thuận theo tấu trình của Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc, đã ấn định ngày mồng 10/3 âm lịch hằng năm (trước ngày giỗ Vua Hùng đời thứ 18 một ngày) làm ngày quốc lễ. Chính thể CHXHCNVN mãi đến gần đây, ngày 02/4/2007, luật pháp mới công nhận ngày 10/3 hằng năm là ngày lễ lớn, cho người lao động nghỉ lễ được hưởng nguyên lương.

Tết Hàn thực có mặt ở Việt Nam không rõ vào triều đại nào. Nhưng trong An Nam Chí Lược của Lê Tắc có một bài thơ nói vua Trần Nhân Tông nhân vào ngày Hàn thực, đã đãi sứ thần Trương Hiển Khánh bánh “xuân thái”, còn nói đây là tục cũ của An Nam (tr 154, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Viện Đại Học Huế, 1961). Chưa biết bánh xuân thái như thế nào, có phải là bánh cuốn rau thịt bên trong không (thái có nghĩa là rau), nhưng rõ là thức ăn nguội có vẻ khác của người Hoa, tập tục vốn lâu đời. Đến đời Lê, có Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn cho biết vào bấy giờ bánh trôi nước đã phổ biến trong tết Hàn thực: Tục nước Nam trọng nhất bánh trôi nước - phù thủy bính, mỗi năm cứ ngày mùng 3 tháng Ba thì làm bánh ấy. Người Tàu cũng làm bánh ấy, gọi là bánh thủy đoàn - bánh tròn trong nước (tr 370, Tạ Quang Phát, Ủy ban Dịch thuật Phủ Quốc Vụ Khanh, 1973).

Tuy có lâu đời, nhưng qua thi ca trong dân gian lẫn giới hàn lâm, khoa bảng, thấy ít có đề cập, bày tỏ nỗi niềm nhân ngày tết Hàn thực. Cũng đễ hiểu, chỉ vì ngày tết nầy gần kề với ngày mồng 10 tháng Ba, ai cũng phải chăm lo cho ngày giỗ Tổ của mình, nó lại còn kề cận với tiết Thanh minh là ngày mà xóm làng xúm nhau lo tu tảo cho những nấm mồ vô chủ ở địa phương. Hàn thực, Thanh minh, lễ Tổ, hết thảy đều hiện diện vào thượng tuần tháng Ba âm lịch hằng năm. Thành thử trong ngày tết Hàn thực, người Việt cũng ăn đồ nguội bánh trôi, bánh chay, nhưng không kiêng kỵ việc cấm củi lửa, mà hầu như chẳng ai để tâm đến Giới Tử Thôi, dù đó là người mang khí tiết chẳng muốn kề cận với giới ham phú quý, khoe công, tranh quyền, ám hại lẫn nhau.

Như vậy thì Tào tháo đã cấm, không muốn nhắc đến Giới Tử Thôi, nhờ Đường Huyền Tôn mà chuyện ăn thức nguội phiêu dạt sang ngày 3/3. Ở tại Việt Nam thì ngày 3/3 chìm lỉm bên cạnh ngày giỗ Tổ, bên cạnh lễ tiết Thanh minh. Chắc vì vậy mà giới văn chương trước đây đối với lễ tiết Hàn thực cũng không nhiều nỗi niềm. Riêng Hồ Xuân Hương đã nói đúng được thân phận bảy nổi ba chìm của người phụ nữ, của bậc quân tử nhưng vẫn giữ được tấm lòng son, phẩm hạnh trong trắng. Cũng giống như Giới Tử Thôi cùng với ngày tết Hàn thực đã từng ba chìm bảy nổi long đong:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Mềm rắn nhờ tay quân tử vọc
Khăng khăng vẫn giữ tấm lòng son
(Vịnh Hàn Thực Bính – bản Xuân Hương Thi Sao)

Người hữu tình Hồ Xuân Hương thân phận vốn long đong, mới cảm nhận được nỗi long đong của một lễ tiết mà ở Việt Nam đã ít người quan tâm đến.

Tết Hàn Thực Quý Hợi
Phan Trường Nghị
. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét