Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

TIẾNG GỌI ĐÒ BÊN BỜ SÔNG CÔN


Bình Định có 3 con sông chính. Ở phía Bắc có sông Lại, thuộc huyện Bồng Sơn thời Hậu Lê, nay là các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn. Rồi đến sông La Tinh, nó được xem là ranh giới thiên nhiên của 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát bây giờ, tức là của huyện Phù Ly cũ. Còn huyện Tuy Viễn ngày xưa ấy, gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Quy Nhơn của ngày hôm nay thì có sông Côn. Có thể tính thêm sông Hà Thanh, từ Cù Mông chảy qua Vân Canh, Tuy Phước, Quy Nhơn, cũng cùng sông Côn đổ nước ra cửa Thị Nại, được xem là một nhánh của lưu vực phía Nam sông Côn.

Sông Côn là sông lớn nhất của Bình Định. Ngày xưa gọi nó là sông Tuy Viễn. Thời Minh Mạng, khi huyện Tuy Viễn chia làm hai thành Tuy Viễn và Tuy Phước, huyện Phù Ly chia làm hai thành Phù Mỹ và Phù Cát, vì lưu vực sông bao trùm, chảy qua cả 3 huyện Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước nên thời bấy giờ nó mang tên trong sách sử là sông Tam Huyện. Từ Pháp thuộc đến nay, sông được gọi là sông Côn. Có lẽ do đọc theo âm Kon của người miền ngược, Kon là tên gọi thượng nguồn chính của sông phát tích tận vùng núi giáp với Kon Tum và Quảng Ngãi.

Từ lâu ta đã quen với câu “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Ý nói việc thuận tiện sinh hoạt, đi lại, buôn bán… thứ nhất phải ở gần chợ, thứ hai mới nói đến ở gần sông. Câu thơ của bà Huyện Thanh Quan đã gợi lên hình ảnh cuộc sống giang biên, viễn phố của thuở xa xưa:

Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Con sông là nguồn cung cấp món ăn thức uống. Việc giao thương của cư dân ngày xưa phần nhiều cũng trông cậy vào thủy lộ. Con sông đã nuôi sống, đem lại sự sung túc cho con người. Nhưng sông suối cũng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của con người, đưa những tiếng tơ đến cho nhau, làm đẹp cho cuộc sống vốn đã lành ít dữ nhiều.

Cũng giống như hầu hết các con sông của miền Trung, hơn một nửa chiều dài sông Côn nằm trên vùng sơn cước, thành thử chính bản thân con sông đã tiềm tàng sự bí hiểm, cuồng nộ của núi rừng. Mùa khô nó hiền hòa, róc rách, nước trong vắt thấy đáy, đôi bên bờ cát trắng, trắng phau phau. Nhưng đến khi lũ lụt nước ngập trắng cả cánh đồng, nói như Cristophoro Borri trong cuốn “Xứ Đàng Trong Năm 1621”, dưới góc nhìn của một người Ý đã từng đến sống ở cảng thị Nước Mặn, Bình Định vào thời 1621, xứ Đàng Trong lúc ấy “như thể đất liền và biển chỉ còn là một”…

Cũng giống như hầu hết các con sông của đất nước, mỗi con sông đều mang trong mình mỗi dấu tích của lịch sử, nhưng sông Côn là con “sông thánh” của thành Đồ Bàn, đô thị cổ của người Chiêm, nên sông Côn còn vướng vất đâu đấy bóng hình, đậm nỗi u ẩn của một giống dân vong quốc. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông Nam chinh, Sử Ký Toàn Thư chép là khi hạ thành Đồ Bàn, quân Việt đã chém hơn 4 vạn thủ cấp người Chiêm. Rồi vào những năm cuối thế kỷ 18, Bình Định là chiến trường giành giật quyền lực, ngút khí ánh gươm đao giữa nhà Nguyễn Gia Miêu và nhà Nguyễn Tây Sơn... Bao nhiêu đấy nước sông Côn tránh sao khỏi cau mặt trước những tang thương !

Sông đã vậy, nên người bên bờ sông Côn cũng chất chứa những nỗi niềm lúc thì u ẩn, hiền hòa, lúc thì ngang tàng, cuồng nộ, lúc thì hoài vọng, trông ngóng đâu đâu…

Trước những năm 1940, Chế Lan Viên đã thấy ở đây, trên sông vắng, lê mình trong bóng tối, đó là những tượng Chàm lở lói đang rỉ rên than… Còn Hàn Mặc Tử thì nghe được dòng sông bật lên câu hỏi về người Chị, người đã theo chồng bỏ cuộc chơi, trong độ tuổi mùa xuân chín, năm nay chị ấy có còn oằn lưng với gánh thóc, chân lịu địu dọc bờ sông trắng nắng chang chang Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử, hai người từ phương xa có duyên đến với đất Bình Định, sông núi nơi đây đã từng góp phần đưa tiếng thơ của họ lên thi đàn nước Việt.

Trong nhóm thơ Bình Định Bàn Thành Tứ Hữu thời ấy, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, hai con Long và Phụng đã nghe và thấy được tiếng nói của dòng sông nơi đây, nhưng chính hai con Lân và Quy mới thốt lên tiếng nói của Côn giang. Yến Lan và Quách Tấn, hai con linh vật còn lại của Bàn Thành Tứ Hữu đã thốt lên tiếng gọi đò, tiếng gọi đò cháy cả lòng người từ thuở 1940 cho đến tận bây giờ.

Cũng giống như Quách Tấn, thơ của Yến Lan có nhiều thể loại, nhưng chuyên sâu và đẹp nhất là những bài thơ Đường luật. Một ai đấy đã nói về Tứ tuyệt Đường luật của Yến Lan : “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại bố già. Một bố già hiền lành, không cân quắc, ngang tàng, vang động, nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm”… Tuy nhiên với bài thơ Bến My Lăng mà Yến Lan đã viết lúc tuổi chỉ đôi mươi, mười sáu, người đọc thơ khi được nhắc đến Yến Lan là họ nhớ ngay đến Bến My Lăng, nhắc đến Bến My Lăng là họ chỉ biết có Yến Lan.

BẾN MY LĂNG

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách, 
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu. 
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách, 
Ông lái buồn để gió lén mơn râu. 

Ông không muốn run người ra tiếng địch, 

Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao. 
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch, 
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao. 

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh 

Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng, 
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh, 
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng. 

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã, 

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly. 
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả, 
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi. 

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách, 

Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng. 
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách, 
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng. 

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng, 

Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng...

Yến Lan (1916 – 1998)

Người lái đò làm nghề chở khách, ai mà chẳng mong có khách đến sang sông. Đợi khách, nhưng ông để hồn vấn vương với trăng với mơ ước. Khách đến, Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả Khách là một chàng kỵ mã, mình nhúng đầy ánh trăng, vội vã đi nhưng chẳng chút nào tỏ ra kiêu bạt, chỉ hối hả vì Sợ trăng vàng rơi khuất  lối chưa đi… Thế mà ông lái đò vẫn say trăng, đầu gối sách. Ông chẳng màng tới tiếng gọi đò của khách. Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách / Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng… Vì sao!? Có cái gì đó đã làm cho người đọc phải tự hỏi lấy mình.

Chẳng cần phải để tự Yến Lan giải bày : “Hạnh phúc không phải lúc nào cũng phụ thuộc bên ngoài. Hạnh phúc phải do bản thân mình tạo ra thì mới ý thức được nó đáng quý như thế nào và mới biết tôn trọng, gìn giữ nó. Đừng bao giờ chờ đợi người khác mang hạnh phúc đến cho mình. Không có điều ấy đâu, mà nếu có thì không bền vững bằng hạnh phúc do chính sự lao động của mình xây nên”… Tự mỗi người có thể đặt mình vào từng đối tượng một ở nơi đây. Là Bến My Lăng, là ánh trăng, là ông lái đò, hay là chàng kỵ mã ! Là đối tượng nào, đứng ở góc nhìn nào đi nữa người đọc cũng nghe được nỗi lòng của dòng sông biểu hiện với đời. Tiếng gọi đò ở bến My Lăng là ước mơ của con người, phải do chính con người lựa chọn quyết định số phận mình.

Còn với Quách Tấn, tiếng gọi đò của ông lại đem đến cho người đời thi vị thiền :

TĨNH MỊCH

Bờ nghiêng lau lách bước sương lồng 
Trăng muộn màng canh lánh mặt sông 
Đời nửa khói mây chìm bóng mộng 
Gọi đò một tiếng lạnh hư không

Quách Tấn (1910 – 1992)


Tiếng gọi đò ở đây phảng phất tiếng kêu vang của Không Lộ thiền sư:

Hữu thì trực thướng cô phong đính 
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Có khi xông thẳng lên đầu núi 
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời

Thiên nhiên và con người đã hòa nhập làm một, bởi một tiếng kêu vang của vị thiền sư thời nhà Lý. Với Quách Tấn, kiếp sống nhân sinh chỉ là ảo mộng, trải cuộc đời đã nửa bóng mây,  thực và mộng quyện lẫn vào nhau qua một tiếng gọi đò vang cả hư không.

“Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng”… Đó là ý kiến của Phạm Công Thiện nói về bước đi về già của Quách Tấn theo đường đạo học. Không chỉ vậy, Quách Tấn bấy lâu còn lầm lũi đi bằng những bước đi chắc nịch với thơ luật Đường, thể loại thơ mà càng ngày người Việt càng ít sử dụng, mặc cho kẻ dè bỉu, người khen. Đúng là cá tính của con linh Quy trong Bàn Thành Tứ Hữu.

Đến đây không thể không nhắc đến giới văn chương ở Bình Định lúc ấy, có một nhóm yêu cả thơ của 4 người Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên. Nhóm yêu thơ nầy do Trần Thống, người Kiên Mỹ - Bình Khê đại diện, đã đặt tên cho nhóm 4 người là Bàn Thành Tứ Hữu, mỗi người mang tên một con vật trong tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng. Mà lý thú thay, mỗi cái tên lại khá phù hợp với tính cách, sắc thái thơ của từng người trong nhóm. Long là Hàn, Lân là Yến, Quy là Quách, Phụng là Chế Lan Viên. Trong một lá thư của Quách Tấn gởi cho Yến Lan năm 1988 đã xác nhận điều nầy và xác định luôn về định danh « Trường thơ Bình Định » mà người đời đã ngộ nhận. Bức thư do trưởng nữ của nhà thơ Yến Lan là Lâm Bích Thủy công bố:

“Nha Trang lập xuân 1988 
Chú Yến Lan, 
Cách đây 1 tuần tôi có gởi ra chú 1 bức thư nói về Trường thơ Bình Định. Chú nên cho ông Thu Hoài biết rằng không có Trường thơ Bình Định, chỉ có Trường thơ loạn của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan mà thôi. Trường thơ này không thể thành Trường thơ Bình Định được. Bình Định chỉ có một nhóm gồm 4 thành viên mà các bạn yêu thơ do Trần Thống ở Kiên Mỹ đại diện, gọi là Bàn Thành Tứ Hữu. Nhóm thơ này gồm có: Hàn, Chế, Yến, Quách. Mỗi người mang tên một con vật trong bộ Tứ Linh. Tôi đã viết một bài nói về nhóm thơ Bình Định vừa vui vừa nói lên được phong độ và sắc thái của thơ Tiền chiến Bình Định - Đó là từ 1930 đến 1945, từ 1945 đến 1985 trừ Tử và Khê đã mất, kẻ còn lại đều hoạt động đều đặn”.

Quách Tấn đã cùng Yến Lan khẳng định Bàn thành THữu là một nhóm thơ. Ở đó, sự gắn kết với nhau bằng tình thi ca, tình bằng hữu, hơn là một trường phái sáng tác.

Hai con Lân và Quy là hai thành viên sống lâu nhất của nhóm (Hàn Mặc Tử mất năm 1940, Chế Lan Viên mất năm 1989). Yến Lan và Quách Tấn sinh trưởng ở chính đất Bình Định. Họ đã có cùng tiếng gọi đò, thốt ra tiếng lòng của một dòng sông nơi họ chôn nhau cắt rốn. Tiếng gọi đò bên bờ sông Côn của mỗi người có khác, nhưng có bổ sung cho nhau, thể hiện đầy đủ sự bí hiểm của núi sông Bình Định. Và giải bày sự việc người bên bờ sông Côn luôn chất chứa những nỗi niềm lúc thì u ẩn, hiền hòa, nhưng lúc thì ngang tàng, cuồng nộ, lúc thì hoài vọng, trông ngóng đâu đâu… như chính sắc thái của Côn giang.

Trường Nghị


1 nhận xét: