“Mạ”
là Mẹ. Con vào dạ, mạ đi tu là khi “cấn
thai” vào lòng tự nhiên người mẹ nào cũng … “đi tu”! “Đi tu” đây không có nghĩa là xuống tóc, vào
chùa gõ mõ tụng kinh mà chỉ có nghĩa là sửa mình, thay đổi mình, từ ngoài vào
trong, từ trong ra ngoài. Mọi thứ ở người mẹ phải sửa sang, phải “tu chỉnh”,
nên mới có câu “con vào dạ mạ đi tu”!
Sửa
mình không dễ. Nhưng một khi có “con vào dạ” rồi thì tự dưng phải sửa thôi. Bởi
có “sửa” thì mọi thứ mới tốt đẹp cho con, cho mẹ, và cho cả gia đình.
Thực
ra, không chỉ “mạ đi tu”, mà người cha cùng cả nhà cũng đi tu với mạ!
“Con
vào dạ” ấy là lúc mang vào lòng cả một thế giới, cả một kiếp người. Cái sinh
linh bé bỏng này nó đến từ đâu? Nó đi về đâu? Nó sẽ ra sao? Nó đến cách nào nó
đi cách nào? Người mẹ bỗng trở thành triết gia một sớm một chiều!
Cái
gọi là tử cung - “dạ con”- kia chính là
nơi trú ngụ của đứa con, chẳng khác chi hoàng cung là nơi trú ngụ của nhà vua-
cho nên kể từ lúc này bé đã là một… vì vua loi nhoi trong bụng mẹ, làm mọi thứ
trong người mẹ chuyển động, đổi thay. Mẹ bấy giờ đã là một người phụ nữ khác. Một
người sắp là mẹ, sắp
làm mẹ.
Sinh con rồi mới sinh cha/ sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Cũng vậy, “sinh
con rồi mới sinh mẹ”. Không có con thì sao là mẹ được! Và khi cái thai nhú lên
từ trong bụng mẹ thì đó cũng là lúc “mẹ sinh”. Mẹ từ từ sinh ra theo sự lớn lên
từng ngày của thai nhi. Và để… sinh ra một người mẹ thực sự thì mẹ phải “tu”
thôi. Kẻ giúp mẹ tu… thành mẹ chính là đứa con trong bào thai, ngay từ khi còn
trong trứng nước.
Nó
có quyền năng rất lớn. Nó làm thay đổi cả “vũ trụ quan” và “nhân sinh quan” của
mẹ. Nói đơn giản hơn, nó thay đổi một cách nhìn. Lúc bấy giờ, người phụ nữ vừa “cấn thai” kia đã nhìn mẹ mình cách khác,
nhìn cha mình cách khác! Rồi nhìn chồng mình cũng khác, nhìn bạn bè mình cũng
khác. Thậm chí nhìn hàng xóm láng giềng cũng khác đi rồi. Trước kia có khi hục
hặc với cha, có lúc bực dọc với mẹ, tranh hơn tranh thua với đồng nghiệp với
hàng xóm láng giềng bây giờ tự dưng thấy mênh mông lòng từ. Thấy thương thấy
quý, thấy biết ơn tất cả. Cái sinh linh này, tấm hình hài này từ đâu mà đến, sẽ
ra sao ngày sau? Phải làm gì đây cho nó hạnh phúc nhất, cho tương lai nó tốt đẹp
nhất. Mãi nghĩ về nó mà không còn thấy cái tôi của mình nữa. Nó trở thành cái
rún của vũ trụ chớ không phải cái tôi là rún của vũ trụ như xưa. Lòng bi mẫn
cũng từ đó mà tràn đầy. Thương người hơn, thấy rõ nỗi khổ đau của mình của người
hơn và từ đó muốn giúp đỡ, muốn nâng niu. “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ”.
Hóa ra đã “tu” lúc nào không hay! Rồi còn biết vui theo cái vui của người, thấy
dễ tha thứ, dễ buông bỏ. Lòng đã rộng mở. “Hỷ xả” lúc nào đó vậy? Chưa biết là
trai hay gái đây, nhưng không thành vấn đề. Có đứa con vào bụng, bỗng thấy mình
không là mình nữa. Mà hai mình. Hai mà một. Mới hiểu thế nào là “nhất như”. Mắt
nhìn khác đi, tai nghe khác đi, mũi ngửi khác đi, lưỡi nếm khác đi, và toàn cơ
thể nữa, đã bày biện khác đi nên xúc tiếp cũng khác đi. Và đặc biệt, ý nghĩ, tư
tưởng cũng đã khác đi nhiều lắm. Từ đó, những lời ăn tiếng nói dấm dẳng, đanh
đá xưa kia bỗng trở nên từ ái, khoan dung;
những cử chỉ vụt chạc, hấp tấp lúc trước đã trở nên điềm đạm, từ tốn…
Hóa ra “lục căn” đã dần thanh tịnh. Mắt tránh xa những hình ảnh bạo lực, kích dục…
trong phim ảnh, sách báo, kịch nghệ. Tai tránh xa những âm thanh dậm dật loạn động
hay áo não sầu thương. Từ bỏ những món ăn kích thích, nào rượu nào bia; lánh xa
những nơi có mùi thuốc lá, tránh bớt những món cay nồng… Mặc rộng, thoáng mát,
đi lại khoai thai. Ăn biết mình ăn, ăn gì, tại sao; đi đứng nằm ngồi thế nào… Mọi
thứ cứ như chánh niệm. Tránh cả những chuyện cà kê dễ ngỗng, tránh các « bà tám
» thị phi. Cái sinh linh bé bỏng kia, hoàng tử công chúa kia, không biết từ cát
bụi nào đã đến, lỡ nó nghe được, nó bình phẩm, nó bắt chước thì sao?
“Ăn
cơm có canh, tu hành có bạn”. Bạn tu đầu tiên gần gũi nhất phải là “thằng cha
nó”. Từ ngày biết mình sắp làm cha “thiên hạ”, ông đã âm thầm tự động bỏ thuốc
lá, giảm bia rượu, thôi đàn đúm, la cà. Đi làm xong vội về… xoa đầu con, coi nó
lớn tới đâu trong bụng mẹ. Ông chăm chú, nghiền ngẫm xem nó đã biết dòm ngó phê
phán gì chưa. Tự dưng có một kẻ lạ hoắc tự trên trời rơi xuống, lọt tõm vào nhà
mình, dòm dõi mình, nghe ngóng mình… cũng làm mình bối rối không ít chứ ! Cái
gì bây giờ cũng len lén, ngó trước dòm sau. Nó cười chăng ? Nó nhăn chăng ? Nó
đau chăng ? Nó giận chăng ? Hóa ra không phải « con vào dạ mạ đi tu » mà bố
cũng phải tu.
Lạ
thay, rồi bà nội bà ngoại, ông nội ông ngoại tương lai cũng tu luôn. Ai cũng sửa
mình, cũng tự thay đổi cả. Bà nội bà ngoại đâm ra dễ thương hết sức, chăm lo từng
chút, dặn dò từng ly, bày đặt đủ trò, gây phiền hà không ít, nhưng tất cả chỉ
vì cái sinh linh bé bỏng này thôi.
Tu,
nói cho cùng, cũng tu từ khóm cây bụi cỏ, từ tiếng mõ tiếng chuông. Cho nên,
nhà cửa giờ cũng trở nên ngăn nắp, sạch sẻ, sáng sủa hơn. Sách đọc đã khác.
Phim ảnh đã khác. Âm nhạc đã khác. Chắc
chắn cái cảm xúc sảng khoái, lâng lâng của mẹ khi được nghe một điệu hát ru
quen thuộc thuở nằm nôi sẽ làm sản sinh
các kích thích tố hạnh phúc truyền qua thai nhi. Mấy bức tranh treo trên tường
cũng đã kịp thay. Trong sáng hơn, tươi vui hơn. Nhớ chuyện kể ông bố người Mỹ
da trắng nọ ngạc nhiên thấy đứa con sơ sinh của mình sao da đen tóc quíu khác
thường thì bà vợ đã giải thích là do suốt thời gian mang thai bà đã ngắm mãi
cái hình anh cầu thủ bóng đá da đen treo trên tường! Phải cảnh giác !
Rõ
ràng, không chỉ tu mà còn phải học. Chỉ có hiểu biết một cách khoa học mới hết
nỗi lo âu. Làm sao nuôi bé lớn lên từng ngày trong bụng đây? Làm sao cho mắt nó
sáng, da nó đẹp, môi nó hồng đây? Nó chui ra bằng đường nào? Có đau lắm không?
Có phải “đi biển mồ côi một mình” như người ta nói không? Có cần « ông già » nó
cùng “đi biển” cho có đôi không? Có cho
nó bú ngay không? Bú có hư không?… Ôi biết bao điều phải học. Học để biết « cơ chế » của hoài thai, mang
thai, của sanh nở để không còn phải sợ hãi, lo âu. Chắc chắn một điều là mẹ
tròn con vuông, bởi sanh nở là chuyện sinh lý bình thường của bất kỳ bà mẹ
nào. Có người khuyên mổ đẻ cho khỏi đau,
nhưng đau… cũng hay chứ, mới biết « mang nặng đẻ đau » là thế nào, mới biết «
cha sinh mẹ dưỡng/ đức cù lao/ lấy lượng nào đong… » là thế nào! Làm gì có chuyện
chọn giờ hoàng đạo để sanh thì sau này bé sẽ… làm vua, làm tể tướng ! Làm vua,
làm tể tướng đâu không thấy chỉ thấy thiếu dưỡng khí não vì sinh non, sinh sớm,
dễ mắc bệnh tâm thần về sau. Cứ sanh đẻ tự nhiên thôi để được là người đầu tiên
đón bé vào đời, rồi cho nó bú ngay…. để được làm mẹ, là mẹ, sớm chừng nào hay
chừng nấy.
Nhiều người đi tu muốn mau thành “chánh quả”.
« Mạ đi tu » nhiều khi cũng vậy. Cũng muốn “gíáo dục » sớm cái sinh linh bé bỏng
này ngay khi còn trong trứng nước để mong sau này nó thành thần đồng, thành
siêu nhân, anh hùng, vô địch… Nhưng « quả » mà chín mau quá chỉ có cách « giú
ép ». Mà giú ép thì không ngon. Cái gì gượng quá đều không hay. Mạ mà căng thẳng quá để « tu » cũng sẽ tạo
nên stress, sản sinh nhiều chất độc hại cho cơ thể, cho cả mẹ lẫn con.
Cảm
ơn chút sinh linh bé bỏng sắp bước vào « cõi người ta ».
Và
cảm ơn tất cả vì những yêu thương trìu mến!
Bs DoHongNgoc
(9.2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét