Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

BÌNH ĐỊNH NIỀM NHỚ KHÔN NGUÔI


Anh Nguyễn Hữu Ba năm nay đã gần đến tuổi 70, định cư ở Australia, nhưng có trí nhớ khá tốt. Đã lâu anh gởi cho tôi một bài khá dài BÌNH ĐỊNH NIỀM NHỚ KHÔN NGUÔI trang trải tâm tình của người con xa xứ, hoài vọng về quê hương và những kỷ niệm thời thơ ấu.
Trong loạt bài BÌNH ĐỊNH NIỀM NHỚ KHÔN NGUÔI đó, nay trích đăng phần Hồi Ức Về Thầy Trương Trọng Thông
(Cao Văn Tam giới thiệu)



HỒI ỨC VỀ THẦY TRƯƠNG TRỌNG THÔNG

Trong chúng ta, ai cũng có những kỷ niệm thuở thiếu thời. Bên cạnh những kỷ niệm đánh đáo, bắn bi, câu cá, đánh lộn...

Ở nhà trường cũng có những bài học vỡ lòng mà cả đời chúng ta không bao giờ quên ... Nhiều khi những bài học vỡ lòng này lại là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, ứng xử của chúng ta sau này ...

Tôi học trường Tiến Đức chỉ có một năm đệ thất, năm sau trường đóng cữa vì không đủ học sinh. Lúc đó ông thân sinh tôi đang làm công chức ở quận An Nhơn. Nên tôi cũng chuyển xuống đó học trường bán công An Nhơn cho tiện. Nhà tôi ở trọ gần thành Đồ Bàn, thủ đô của Chiêm Thành ngày xưa và cũng là nơi mà Trần Bá Lộc đã chém đầu nhà cách mạng Mai Xuân Thưởng.

Tôi còn nhớ năm đó thầy Trương Trọng Thông dạy chúng tôi môn hình học. Thầy Thông dáng người cao, nước da ngăm đen rất có duyên, thầy khá đẹp trai và chuyên dạy môn hình học, rất nổi tiếng. Có một hôm, có lẽ vì hồn thơ lai láng lại gặp lúc thì giờ cũng còn rộng rãi, nên thầy đọc và giảng cho chúng tôi bài thơ MÒN MỎI của ThanhTịnh. Bài thơ rất hay, nhưng nếu không có sự dẫn giải của thầy Thông thì chắc chắn chúng tôi sẽ không hiểu và không thấm thía hết cái hay của bài thơ. Thầy giảng :

Chiều hôm đó, trong căn nhà cô quạnh chỉ có hai chị em. Người em, tuổi còn thơ dại, còn chị đã có chồng. Nhưng chồng của chị đã lên lưng ngựa hồng, theo đoàn quân đi chinh chiến ngoài biên thùy, đã lâu chưa thấy về. Chị đã khóc nhiều đêm vì thương nhớ chồng đến nỗi đôi mắt chị đã bị mù. Trong niềm thương nhớ tận cùng, chị bảo đứa em :

Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ.
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ.
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi.
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.

Nghe lời chị, đứa em nhìn ra cữa sổ và cứ ngây thơ thấy sao nói vậy, nên trả lời:

Xa nhìn bên cõi trời mây
Chị ơi em thấy một cây liễu buồn.

Câu trả lời của cô em vô tình đã làm cho chị càng buồn hơn, nhưng chị vẫn cứ hy vọng nên bảo em:

Bên rừng em hãy lặng nhìn theo.
Có phải chăng em ngựa xuống đèo.
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi.
Trên mình ngựa hí lạc vang reo.

Cô em nhìn ra cửa rồi quay lại trả lời:

Bên đường ngọn gió rung cây.
Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương.

Chị đang nhớ chồng quay quắt, lại gặp cô em ngây thơ, thấy gì không thấy lại thấy cây liễu buồn, rồi bây giờ lại thấy con nhạn lạc bầy kêu sương. Bỗng người chị nghe trong gió chiều dường như có tiếng chàng gọi tên mình, không biết là thật hay vì nhớ nhung mà tưởng tượng ra, nàng vội bảo em:

Tên chị ai gieo giữa gió chiều.
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu.
Trên dòng sông lặng em nhìn thử.
Có phải chăng người của chị yêu.

Cô em nhìn ra rồi trả lời:

Sóng chiều đùa chiếc thuyền nan.
Chị ơi con sáo gọi đàn bên sông.

Hết cây liễu buồn, đến con nhạn lạc bầy kêu sương, bây giờ lại đến con sáo gọi đàn bên sông. Sao mà toàn những cảnh não lòng ? Nhưng ngay lúc đó, đứa em lại mừng rỡ thốt lên:

Ô kìa bên cõi trời đông.
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.

Không bút mực nào có thể tả hết nỗi mừng của người chị trong lúc này. Chị vội vàng bảo em:

Này lặng em ơi lẳng lặng nhìn.
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in.
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống.
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.

Nghe có bóng ngựa hồng trở về, chị mừng quá đến nỗi chị lo sợ bóng ngựa sẽ chìm mất trong sương mù, hay rẽ đi lối khác. Nên bảo em hãy buông rèm xuống để cho hy vọng của chị không bị tắt, cho dù ngựa có chạy về hướng nào thì trong lòng chị vẫn thấy con ngựa hồng đang chở người yêu của chị trở về . Bỗng lúc đó có tiếng vó câu trước cữa nhà, và cô em thốt lên:

Ngựa hồng đã đến bên hiên.

Trong niềm hạnh phúc tràn trề, chị ngồi xuống dùng hai tay quơ lia quơ lịa để dò đường, chị trèo xuống bậc tam cấp, bò tới chân ngựa, rồi từ chân ngựa chị đứng lên để rờ lên lưng ngựa thì cùng lúc đó cô em mới thốt ra :

Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người.

Đến đây chúng ta có thể hình dung niềm đau của người chị có chồng đã ra đi không bao giờ trở lại.

Nguyễn Hữu Ba

1 nhận xét:

  1. Kim Đức13:58 1/11/12

    Nhớ hồi còn học lớp sáu, lớp bảy có đọc bài "Mòn mỏi" của Thanh Tịnh. Lâu quá, bỗng dưng hôm nay đọc bài Hồi ức về Thầy Trương Trọng Thông trong "Bình Định niềm nhớ khôn nguôi" của Nguyễn Hữu Ba thì mới thấy lòng mình như chùng lại bởi lời thơ da diết, một nỗi buồn, một niềm đau, một hy vọng của người thiếu phụ chờ đợi "bóng tình quân" trở về. Cám ơn Nguyễn Hữu Ba, Cao văn Tam, QTBK đã nhắc lại bài thơ nổi tiếng của TT đã từng đi vào lòng người .

    Trả lờiXóa